Chính sách cải cách đột phá tiền lương lần này được kỳ vọng sẽ giúp người làm việc trong khu vực công thoát cảnh lương không đủ sống đeo đẳng suốt hàng chục năm qua. Song,Đểcôngchứcsốngđượcbằnglươsteven nguyễn vấn đề trước mắt chúng ta cần làm gì để chủ trương này đi vào cuộc sống thực sự hiệu quả?
Kể từ năm 2000 đến nay, mức lương cơ sở trong khu vực công đã được điều chỉnh tăng 18 lần, tuy nhiên mức tăng vô cùng nhỏ (từ 120.000 đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng). Với đồng lương ít ỏi, cùng với lạm phát trong hơn 20 năm tăng cao, cá biệt có năm tăng 19 - 20%, càng khiến cuộc sống của cán bộ, công chức khó khăn, nặng gánh hơn. Đó là chưa kể giá điện, xăng, dịch vụ y tế, lương thực, thực phẩm… không ngừng tăng. Rồi thuế thu nhập cá nhân, các loại phí bủa vây.
Vì vậy, quyết sách của T.Ư cũng như Quốc hội được cán bộ, công chức, viên chức cả nước rất ủng hộ. Nhưng điều họ mong muốn là khi đi vào thực tế, bảng lương, mức lương cần phải phản ánh đúng sức lao động, chất xám bỏ ra; đúng vị trí việc làm, chức năng, đảm bảo được sự công bằng.
Theo đó, các cơ quan thực thi nên xây dựng và ban hành hệ thống thang, bảng lương mới theo vị trí việc làm, theo chức danh, chức vụ lãnh đạo thay thế bảng lương hiện hành. Xây dựng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và các chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
Lương không thể cào bằng, tùy từng vị trí theo năng lực, khả năng cống hiến, kết quả công việc có mức trả tương xứng. Đặc biệt, phải xác định các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới gồm các công việc: xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức; mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương; hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn... Bên cạnh đó, sắp xếp lại các khoản phụ cấp hiện hành theo hướng, những khoản phụ cấp thuộc chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên thì nghiên cứu đưa vào mức lương "cứng"; những việc riêng biệt thì để phụ cấp "mềm".
Tiền lương không chỉ để tái sản xuất sức lao động mà còn phải có tác động kích thích người lao động làm việc có hiệu quả; giúp họ có tích lũy. Trong ngắn hạn, chúng ta đã bố trí đủ nguồn ngân sách để tăng lương (hơn 560.000 tỉ đồng). Song, về dài hạn cần phải có những giải pháp từ T.Ư đến địa phương để tăng thu, dành riêng nguồn ổn định để tăng lương một cách đều đặn tương xứng với lạm phát, trượt giá, thuế, phí… cho công chức, viên chức.
Chỉ còn khoảng hơn 7 tháng nữa, hệ thống lương mới sẽ chính thức được áp dụng, công việc phía trước còn rất nhiều, đặc biệt công tác sắp xếp vị trí việc làm, tính toán thang, bảng lương chi tiết. Khối lượng công việc đó đòi hỏi quyết tâm rất cao của các cơ quan thực thi. Một bộ máy hành chính muốn có được người tài, có động lực cống hiến, sáng tạo, dám làm, dám chịu thì họ phải được đảm bảo mức lương xứng với những gì họ bỏ ra. Khi bộ máy đó vận hành vững chắc, minh bạch, thông thoáng sẽ là nền tảng để người dân, doanh nghiệp được "cởi trói" khỏi các thủ tục hành chính, giúp quốc gia ngày càng giàu có, thịnh vượng.